Công dân Mỹ có thể đưa hôn thê đến Mỹ kết hôn. Để đưa hôn thê qua Mỹ, công dân Mỹ cần mở hồ sơ bảo lãnh I-129F, visa K1. Bài viết này hướng dẫn cách thức đưa hôn thê tới Mỹ!
Điều kiện bảo lãnh diện hôn thê
Theo quy định của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS), để mở hồ sơ bảo lãnh diện hôn thê, hai bên nam, nữ cần:
- Gặp nhau tối thiểu 1 lần trong vòng 2 năm trước khi mở hồ sơ.
- Có ý định kết hôn trong vòng 90 ngày sau khi hôn thê tới Mỹ.
- Tình trạng hôn nhân: Chưa từng kết hôn, kết hôn nhưng đã ly dị, goá vợ (chồng).
Nam, nữ đáp ứng điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn
Các bước bảo lãnh diện hôn thê K1
Bước 1: Công dân Mỹ nộp hồ sơ cho USCIS công nhận hôn thê nước ngoài
Công dân Mỹ nộp hồ sơ bảo lãnh I-129F, Petition for Alien Fiancé(e) cho Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS). Công dân Mỹ phải cho thấy hai bên tự do kết hôn và dự định kết hôn trong vòng 90 ngày khi hôn thê tới Mỹ bằng visa không định cư K1. Nhìn chung, công dân Mỹ và hôn thê phải gặp nhau trong vòng 2 năm trước khi mở hồ sơ.
USCIS sẽ kiểm tra lý lịch của cả hai. Nếu USCIS chấp thuận đơn I-129F đồng nghĩa với viện công nhận cặp đôi dự định kết hôn và chuyển hồ sơ đã được duyệt tới Trung tâm Thị thực Quốc gia (NVC). Hồ sơ sau đó sẽ chuyển về Lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM – nơi hôn thê sẽ trải qua buổi phỏng vấn.
Bước 2. NVC cấp case number và chuyển hồ sơ về cho Lãnh sự quán Mỹ
Bộ Ngoại giao (DOS) thông báo cho người bảo lãnh là công dân Mỹ khi nào là thời gian để hôn thê nộp đơn xin visa K1. Tại đây, đương đơn tiến hành đóng phí visa, điền đơn DS-160, khám sức khỏe và chích ngừa theo quy định nhập cảnh vào Mỹ.
Đương đơn mang tất cả giấy tờ đến buổi phỏng vấn bao gồm giấy tờ chứng minh mối quan hệ và kiểm tra sức khỏe. Viên chức lãnh sự tiến hành kiểm tra lý lịch, bao gồm lấy dấu vân tay. Viên chức lãnh sự đánh giá đủ điều kiện hôn thê thật sẽ cấp visa, ngược lại sẽ từ chối. Visa được cấp có giá trị không quá 6 tháng và một lần nhập cảnh – nghĩa là hôn thê có không quá 6 tháng để nhập cảnh vào Mỹ.
Bước 3. Người có visa K1 đến Mỹ và nhập cảnh qua hải quan (CBP)
Với visa K1, hôn thê được bay đến Mỹ và nhập cảnh qua cửa khẩu Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP). Nhân viên hải quan sẽ làm các thủ tục kiểm tra cần thiết như lấy vân tay và phỏng vấn. Nếu được chấp thuận cho nhập cảnh, visa sẽ có hạn 90 ngày.
Người giữ visa K1 phải đăng ký kết hôn với công dân Mỹ đã nộp đơn bảo lãnh mình trong vòng 90 ngày. Thời gian này không được gia hạn, người giữ visa K1 không được chuyển đổi sang loại visa khác trong khi đang ở Mỹ.
Để có tình trạng thường trú sau khi kết hôn, người vợ phải nộp đơn cho USCIS xin thường trú.
Bước 4. Nộp đơn chuyển đổi tình trạng cư trú (I-485)
Sau khi đăng ký kết hôn, hôn thê (lúc này đã trở thành vợ của công dân Mỹ) nộp hồ sơ chuyển diện để xin thường trú, thẻ xanh 2 năm. Các mẫu đơn xin thẻ xanh 2 năm gồm:
- I-485, mẫu đơn chuyển đổi tình trạng cư trú
- I-864, mẫu đơn bảo trợ tài chính
- I-765, mẫu đơn xin giấy phép đi làm
- I-131, mẫu đơn xin du lịch nước ngoài
Quá trình xử lý đơn I-485, USCIS kiểm tra background của cả hai, bao gồm lấy vân ta và có thể phỏng vấn cặp đôi. Nếu quyền thường trú được cấp trước khi kỷ niệm 2 năm ngày kết hôn, người vợ sẽ nhận được tình trạng cư trú có điều kiện và được cấp thẻ xanh 2 năm. Ngược lại sẽ được cấp tình trạng cư trú không điều kiện và thẻ xanh 10 năm.
Bước 5. Nộp đơn xóa bỏ tình trạng cư trú có điều kiện
Người có tình trạng cư trú có điều kiện phải nộp đơn xóa bỏ điều kiện trong vòng 90 ngày trước khi tình trạng cư trú hết hạn. Thẻ xanh 2 năm không thể gia hạn. Điều kiện phải được xóa, công dân thường trú có điều kiện sẽ mất quyền cư trú và dẫn đến phải rời nước Mỹ.
Để xóa bỏ điều kiện, thường trú nhân có điều kiện nộp đơn I-751, Petition to Remove Conditions on Residence cùng với chồng người Mỹ. Trừ một số trường hợp đặc biệt mới được miễn chữ ký của chồng.
Trong quá trình xử lý hồ sơ, USCIS sẽ kiểm tra hôn nhân thật và kiểm tra vân tay của thường trú nhân và có thể phỏng vấn cả hai. Thời gian chờ xét duyệt đơn này có thể lên đến 2 năm.
Bạn có thể được miễn lấy vân tay trong và thậm chí không cần phỏng vấn khi đổi sang thẻ xanh 10 năm nếu có đầy đủ bằng chứng hôn nhân thật nộp cho USCIS.
Sau 2 năm 9 tháng kể từ ngày có thẻ xanh 2 năm, bạn có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ! Trong trường hợp bạn làm song song 2 thủ tục I-751 và N-400, thì khi N-400 thi đậu phải đợi đơn I-751 được duyệt chấp thuận mới được tuyên thệ nhập tịch.
Đến đây, chúc mừng bạn đã trở thành công dân Mỹ! Bạn có thể mở hồ sơ bảo lãnh cha mẹ, anh chị em khi đã trở thành công dân Mỹ.
Những câu hỏi diện K1 thường gặp
Hôn thê được mang con riêng không?
Hôn thê được phép mang con riêng đi cùng, với điều kiện con riêng phải độc thân và dưới 21 tuổi tại thời điểm đặt chân tới Mỹ. Visa K2 được cấp cho con đi theo mẹ visa K1.
Con chung làm thế nào?
Con chung cần làm thủ tục nhập quốc tịch (CRBA). Cặp đôi chưa kết hôn nên khi làm khai sinh Việt Nam với tình trạng con ngoài hôn thú (cần ADN để chứng minh mối quan hệ cha – con).
Bảo lãnh diện K1 mất bao lâu?
Trước khi có dịch covid, thời gian xử lý diện K1 từ 6 – 8 tháng. Trong thời điểm hiện nay (2022), thời gian xử lý diện K1 tương tự như CR1/IR1.
Diện K1 bao lâu có thẻ xanh?
Sau khi đến Mỹ kết hôn và nộp hồ sơ chuyển diện, thời gian chờ để được phỏng vấn thẻ xanh từ 8 tháng đến 1,5 năm.
Cách viết timeline diện K1
Timeline là câu chuyện tình cảm của đôi bên, không chỉ có màu hồng mà đôi khi còn những lúc giận hờn.
Những câu hỏi phỏng vấn diện K1
Những câu hỏi phỏng vấn diện K1 tương tự như câu hỏi diện vợ chồng. Sẽ cập nhật link để bạn tham khảo sau.
Thẻ xanh bảo lãnh hôn thê được không?
Thẻ xanh không bảo lãnh được hôn thê. Chỉ có quốc tịch mới bảo lãnh được hôn thê.
Cặp đôi LGBT kết hôn được không?
Pháp luật Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới. Cặp đôi đồng giới muốn bảo lãnh thì người phía Mỹ phải là công dân để mở hồ sơ diện K1.